Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng - Chương 4

 

CHƯƠNG 4 - THỜI NIÊN THIẾU - THIÊN TÀI NGÔN NGỮ

Hôm sau nữa, chúng tôi hạ trại ở ven một con sông đang mùa khô cạn, hai mẹ con ni cô đã đi tụng kinh trước. Họ không ăn cơm tối, tôi ăn cùng những người còn lại, vẫn là thứ bánh 'nang' khô khốc mọi ngày và mì. Bởi vì tôi ăn ở cùng những người hầu nữ khác, còn tiểu hòa thượng lại ở trong một chiếc lều riêng đầy đủ tiện nghi, luôn được hưởng đãi ngộ cao cấp nhất, cho nên lớp học cũng được bố trí trong lều của cậu ấy.

Lúc bước vào trong lều tôi sững sờ mất một lúc. Jiba đang cạo đầu cho cậu, những sợi tóc mềm màu nâu đỏ lả tả rơi trên tấm vải trắng quấn quanh cổ cậu. Cậu ấy khẽ ngước lên nhìn tôi, mỉm cười hiền hòa, bảo tôi ngồi xuống bên cạnh đợi cậu ấy một chút.

Trong lúc chờ đợi, tôi không khỏi quan sát rồi đưa ra nhận xét về cái đầu của cậu ấy. Đầu cậu không bị ép dẹp một cách cố ý như người mẹ ni cô của mình, cho nên hình dáng vẫn rất bình thường. Tôi cảm thấy may mắn là thời đại và nơi họ ở không có tập tục tấn hương lên đỉnh đầu, nếu không, không riêng gì da thịt phải chịu đau đớn do những vết sẹo kia, mà e rằng ngoại hình gần như hoàn hảo của cậu ấy cũng sẽ bị phá hỏng mất thôi.

Nghĩ đến những vết sẹo do tấn hương ấy, tôi không khỏi phì cười một mình. Đây đặc sản nho nhỏ của riêng văn hóa Phật giáo Trung Quốc.

Thực ra hòa thượng Trung Quốc vốn cũng giống như tăng nhân ở các nước khác, không có tục lệ tấn hương trên đỉnh đầu, nghe nói tục lệ này bắt nguồn từ một vị hoàng đế vô cùng sùng bái Phật giáo thời Nam Triều ở Trung Quốc - Lương Vũ Đế. Ông ta từng ba lần cạo đầu đi tu, cũng là ba lần bị đại thần trong triều dùng số tiền lớn cúng cho chùa để chuộc về. Để nhanh chóng nhân rộng số lượng tín đồ, ông đã đại xá hết thảy tử tù trong thiên hạ, bắt họ xuất gia làm hòa thượng. Nhưng lại sợ họ bỏ trốn khỏi các chùa chiền, trở lại con đường phạm tội, thế là ông bắt chước hình phạt thích chữ lên mặt, bắt các phạm nhân đi tu phải đốt hương đánh dấu trên đỉnh đầu, để bất cứ lúc nào cũng có thể phân biệt, thuận tiện cho việc truy bắt.

Còn riêng tôi thì cho rằng, việc tấn hương lên đầu hòa thượng ở Trung quốc chính là việc thiết yếu của nhà cầm quyền. Tăng lữ không tham gia sản xuất tạo ra của cải, không cần nộp thuế, không có con cái, việc này đối với tầng lớp thống trị mà nói có hại nhiều hơn có lợi, nếu như có quá nhiều người đi tu, như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đối với lực lượng lao động. Việc không có con nối dòng sẽ xung đột với luân lý đạo đức truyền đời 'bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại'. Trong lịch sử đã có không ít sự kiện 'diệt Phật' xảy ra, nói cho cùng thì nguyên nhân sâu xa trong đó đều xuất phát từ sự bảo vệ luân lý đạo đức và duy trì nền kinh tế. Nhưng mà, sự hiện hữu của tôn giáo là không thể thiếu đối với đời sống con người, còn có thể giúp tầng lớp thống trị ổn định xã hội. Cho nên, giới tăng lữ đều phải mang theo chứng điệp bên mình, nhà cầm quyền luôn phải khống chế nghiêm ngặt số lượng tăng nhân. Người ngoài đều phân biệt tăng nhân dựa vào tấn hương, nếu chỉ cạo đầu để giả mạo hòa thượng thì chỉ cần nhìn trên đầu không có tấn hương sẽ lộ tẩy ngay. Cũng may mà sau giải phóng, tập tục này đã bị hủy bỏ, tuy nhiên nghe nói ở một số ngôi chùa hiện nay vẫn còn cử hành nghi thức tấn hương này...

"Ngải Tình!"

Tôi giật mình hoàn hồn lại, nhìn thấy cậu ấy đang ngồi trước mặt mình, thần thái tươi tỉnh sáng sủa hẳn ra. Cậu đã cạo đầu xong, cả người toát ra vẻ sạch sẽ khoan khoái. Tôi nhìn chung quanh, Jiba đã ra ngoài từ lâu, vậy mà tôi còn mải suy nghĩ đến quên trời quên đất, ngay cả Jiba đi từ bao giờ tôi cũng không biết. Tôi le lưỡi cười trừ, vội vàng ngồi vào bàn học, bắt đầu buổi học đầu tiên.

Cậu ấy dạy chữ Tochari cho tôi trước. Mặc dù cậu ấy giảng giải rất cẩn thận, rất kiên nhẫn, nhưng dù sao trình độ chữ Hán cũng chỉ có hạn, đã vậy những ký tự chữ Tochari lại rất khó nhớ, so với hồi học tiếng Đức, tôi còn phải vật lộn khổ sở hơn nhiều, tôi nóng lòng đến nỗi trán gồ lên từng lằn gân xanh. Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi bò ra bàn, cả người nằm bẹp xuống đòi được nghỉ xả hơi. Tiết học chữ Tochari đầu tiên của tôi đã kết thúc trong đau khổ không thể chịu nổi như thế đấy.

Sau khi nghỉ ngơi một lúc lại đến lượt tôi dạy cậu ta. Trong những kỳ nghỉ, tôi thường hay tham gia phong trào tình nguyện, từng đảm nhiệm vai trò giáo viên đứng lớp xóa nạn mù chữ, cho nên tôi rất tự tin với việc giảng dạy chữ Hán mức độ sơ cấp. Học nhập môn chữ Hán thật ra không khó, tất cả đều bắt đầu từ việc nhìn tranh chỉ chữ mà thôi. Cái khó chính là thời cổ đại không có phiên âm pinyin nên rất khó trong việc nhớ phát âm.

Phương pháp ghi chú phát âm thời cổ đại gọi là phiên thiết, đó là cách dùng hai chữ để chú âm cho một chữ, lấy thanh mẫu của chữ thứ nhất kết hợp với vận mẫu và thanh điệu của chữ thứ hai để ra kết quả. Ví dụ như chữ 'tú', có thể đọc là 'tây ấu thiết', lấy thanh mẫu của chữ 'tây', vận mẫu và thanh điệu của chữ 'ấu' để đọc. Phiên thiết có hẳn một bảng chữ chuyên biệt để đối chiếu, gọi là 'Quảng Vận'. Nhưng dù sao tôi cũng không phải là người xưa, đương nhiên sẽ không thể thuộc lòng bảng phiên thiết, nhưng tôi càng không dám 'cầm đèn chạy trước ô tô', tài lanh tài khôn phát minh ra phiên âm pinyin vào thời điểm 2000 năm trước, chỉ có thể bắt cậu ấy học thuộc nằm lòng mà thôi.

Tôi lấy giấy vẽ và bút chì ra, vừa vẽ vừa giảng bài. Cậu ấy có vẻ vô cùng hiếu kỳ với dụng cụ viết chữ quá đỗi tân tiến của tôi, nhịn không được bèn hỏi loại giấy sáng loáng và cây bút cứng đầu nhọn kia của tôi được chế tạo ra như thế nào. Tôi chỉ có thể nhắm mắt nói liều, bảo với cậu ta là do một vị thế ngoại cao nhân đã cho tôi, trên thế gian này cũng chỉ có một mình tôi có nó, tôi cũng không biết nó được làm ra như thế nào. Sau đó lại lấy giọng điệu của cô giáo la rầy cậu ta, bảo cậu chú ý nghe giảng bài đi, không được hỏi lung tung nữa.

Nhật, nguyệt, thủy, hỏa, thổ, kim, mộc, nhĩ, khẩu, thủ, để chuẩn bị cho hành trình vượt thời gian, tôi đã phải kiên trì học chữ phồn thể suốt cả năm trời, có điều nghĩ đến việc thời nhà Tần thịnh hành lối viết 'tiểu triện', tôi lại thấy da đầu mình tê rần. Tôi chỉ có thể nhận mặt chữ tiểu triện, còn viết thì bó tay, chỉ hy vọng tôi sẽ không làm sai lệch lịch sử. Cũng may cậu ấy là người Tây Vực, không phải người Trung Nguyên nên khả năng đó không lớn lắm.

Cậu ấy vốn đã có hiểu biết cơ bản về chữ Hán, một số chữ cũng đã quen mặt rồi. Tuy vậy, cậu ấy vẫn học hành vô cùng nghiêm túc, hai mắt không rời khỏi tôi khi tôi phác họa tự dạng cho cậu, thi thoảng lại gật gù, đôi lúc, tôi sẽ tình cờ ngửi được mùi gỗ đàn hương dễ chịu thoang thoảng trong không khí.

Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường, việc giao tiếp giữa tôi và Kumorojiba đã lưu loát hơn một chút. Cậu ấy bắt chước tôi cực kỳ nhanh, tôi chỉ mới nói qua một lần, cậu ấy lập tức hiểu ngay, một lát sau tôi lặp lại cùng một từ đó, cậu ấy sẽ không hỏi lại, hơn nữa cậu ấy còn có thể căn cứ vào ngữ pháp chữ Hán mà điều chỉnh cách nói chủ vị tân loạn xạ ban đầu của mình.

Bây giờ, nếu tôi nói chuyện với người Hán, vậy thì chắc chắn sẽ phải giao tiếp bằng văn ngôn. Có điều đối với cậu ấy, tôi lại dùng cách nói thông thường của thế kỷ 21. Bởi vì cậu ấy là một người ngoại tộc, tôi sẽ không mang chướng ngại tâm lý, không sợ cậu ấy cho rằng tôi nói chuyện không giống bình thường. Cậu ấy rất thích hỏi tôi về địa lý, phong tục, lịch sử của người Hán ở Trung Nguyên, tôi bèn lục lại những quyển sách lịch sử mình đã từng nghiền ngẫm trong trí nhớ thuật lại cho cậu ta nghe. Tôi càng lúc càng cảm thấy tiểu hòa thượng này không phải chỉ thông minh một cách bình thường, cậu ấy có một trí nhớ siêu việt, hơn nữa còn là một người có năng khiếu bẩm sinh, cực kỳ nhạy cảm đối với ngôn ngữ.

Tôi hỏi cậu ấy tại sao lại mang theo quân đội trên đường vân du, thật ra là cũng muốn thăm dò một chút về thân phận địa vị của họ. Cậu ta nói bốn năm nay bọn họ đã vân du qua rất nhiều quốc gia, đặt chân đến không ít địa phương. Nhưng con đường đi từ quốc gia này sang quốc gia khác đều là hàng trăm dặm hoang mạng không một bóng cây ngọn cỏ, không một con sông hay giếng nước, hơn nữa có một số địa phương không thuộc về bất kỳ quốc gia nào, hoàn toàn vô chủ, là nơi đồn trú của bọn đạo tặc, đi qua những nơi này rất thường xuyên đụng phải trộm cướp. Bọn họ mang theo không ít xá lợi, tượng Phật và kinh sách quý giá, để đề phòng cướp bóc, bắt buộc phải có lực lượng vũ trang của riêng mình.

Tôi nhớ lại, trên đường tây du của pháp sư Huyền Trang, cũng thường xuyên đụng phải trộm cướp như thế, không khỏi gật đầu đồng tình mạnh mẽ với sự quan trọng của sức mạnh vũ trang. Có điều tôi vẫn chưa thăm dò được thân phận của họ, chỉ biết đội quân này đã đi theo bọn họ từ khi xuất phát ở Khâu Từ vào bốn năm trước đến tận bây giờ, hơn nữa còn là quân đội chính quy. Ừm, có thể điều động tài nguyên quân sự của quốc gia làm bảo vệ cho mình, hai người này chắc chắn có quan hệ không nhỏ với hoàng thất.

Jiba vẫn đi phía sau chúng tôi, nghe chúng tôi trò chuyện. Gương mặt xinh đẹp của bà vẫn luôn giữ biểu cảm bình thản, lãnh đạm, đôi lúc bà sẽ trò chuyện vài câu với con trai, tuy tôi nghe không hiểu gì, nhưng qua giọng nói dịu dàng êm ái của bà, có lẽ là không có ý trách cứ gì cả. Bà vẫn luôn giữ dáng vẻ ôn hòa nhã nhặn, có thể thấy được bà rất yêu thương con trai mình, nhưng lại không hề có những hành vi cử chỉ thân mật như những người mẹ bình thường khác đối với con trai, có lẽ điều này là do bà đã bước vào cửa Phật.

Nhưng đến lúc tụng kinh bà lại trở nên vô cùng nghiêm khắc, biểu cảm nghiêm túc thành kính, đôi mắt rủ xuống, kính cẩn cùng con trai lẩm bẩm tụng niệm. Vào lúc này, hai người họ dường như đã hoàn toàn thoát khỏi thế gian trần tục, thoát khỏi vòng giáo hóa luân hồi, từng tiếng niệm kinh nhẹ nhàng gõ vào đâu đó thật sâu trong tâm khảm. Lần đầu tiên tôi cảm thấy tôn giáo có sức mạnh lay động linh hồn con người đến vậy, tôi tựa vào cửa lều, nghe đến nhập thần, quên trời quên đất.

Buổi tối lại tiếp tục học chữ. Tôi vặn óc nhớ lại bài học ngày hôm qua, rốt cuộc đầu hàng, le lưỡi tự giác xòe bàn tay ra trước mặt cậu ấy.

"Cô làm gì thế?" Cậu ấy vẫn tiếp tục luyện tập khẩu ngữ của thời hiện đại cùng tôi, cho nên cậu ấy không nói chuyện bằng văn ngôn.

"Cậu khẽ tay tôi đi." Tôi cười lỏn lẻn, "Thầy giáo người Hán của chúng tôi ấy, nếu học sinh không thuộc bài sẽ dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay. Cậu thấy cô học trò này tự giác không nào, chủ động nhận lỗi trước đấy."

"Cô phạm lỗi gì cơ?" Đôi mắt màu xám nhạt trong veo sáng ngời như nhìn thấu tâm can người khác chớp chớp nhìn tôi với vẻ không hiểu.

"Tôi không thể nhớ nổi những ký tự chữ Tochari mà hôm qua cậu đã dạy tôi, à không, chữ Khâu Từ chứ." Mặt tôi dài ra, giả vờ đau khổ cười ha ha, chết thật, cứ quen miệng gọi là chữ Tochari mãi.

Cậu ấy cũng mỉm cười, nụ cười trong trẻo, ánh mắt như cả bầu trời sao sáng lấp lánh.

"Nếu vậy là do tôi dạy không tốt, làm sao trách tội cô được?" Cậu ấy mở tay trái ra, tay phải nắm lấy tay của tôi, đập vào lòng bàn tay cậu ấy một cái. Tuy không đau, nhưng sự tiếp xúc này lại khiến tôi cảm thấy ngẩn ngơ một chút.

"Người đáng bị đánh là tôi, ngày mai nếu cô vẫn không thể nhớ được, thì lại khẽ tay tôi nữa."

Tôi bất chợt rụt tay về, một tia sợ hãi vô hình không rõ vì sao lướt qua cực nhanh trong lòng tôi. Tôi lắc lắc đầu, tập trung tinh thần nhìn vào mẫu tự trước mặt.

Hôm nay tôi tiếp thu bài học tốt hơn so với hôm qua, bởi vì tiếng Hán của cậu ấy đã có tiến bộ, có thể giảng giải sâu hơn cho tôi hiểu, rốt cuộc tôi đã học xong những mẫu tự Tochari. Mỗi lần nghe phát âm của chữ nào, tôi lại ghi chú ký hiệu phiên âm ngay bên cạnh, như vậy sau khi trở về lều tôi sẽ không quên cách đọc như thế nào nữa.

Cậu ấy vô cùng hiếu kỳ với ký hiệu phiên âm của tôi, tôi không thể thoát khỏi những câu hỏi của cậu ấy, đành giảng giải cho cậu ấy quy luật ký âm. Ánh mắt cậu ấy càng lúc càng sáng bừng lên, không ngớt khen ngợi đúng là cách làm rất hay ho. Tôi chỉ yêu cầu cậu ấy không nói với bất cứ ai, nếu không lịch sử sẽ bị đảo lộn.

"Vì sao vậy? Là cô sáng tạo ra à?"

Tôi không thừa nhận cũng không phủ nhận, mà chỉ nói một cách hàm hồ: "Người Hán không thích phụ nữ quá tài năng, cho nên nếu cậu nói với bất cứ ai về phương pháp này, tôi sẽ bị coi là nữ phù thủy và bị đẩy lên giàn thiêu mất." Tôi mượn câu chuyện về Thánh nữ Jeanne d'Arc để dọa cậu ấy.

"Người Hán không nên làm như thế."

Cậu ấy trầm mặc một lúc, lại suy nghĩ thêm một lúc, sau đó nói với vẻ vô cùng nghiêm túc: "Mọi người đều giống nhau, bất kể là nam hay nữ. Phụ nữ cũng có trí tuệ như đàn ông vậy." Cậu ấy lại tiếp tục nói một tràng bằng tiếng Tochari, có lẽ là do từ vựng chữ Hán của cậu ấy hiện tại chưa đủ để biểu đạt trọn vẹn cảm tưởng của cậu ấy.

Tôi cười phá lên. Vẻ nghiêm túc của cậu thiếu niên này thật sự khiến tôi cảm thấy ấm áp. Có điều là, tôi phải kết thúc vấn đề này ở đây thôi, nếu còn nói tiếp nữa tôi sẽ không biết phải lấp liếm như thế nào đâu.

"Cậu biết rồi thì tốt. Được rồi, bây giờ đến lượt tôi dạy cậu nhé. Thời cổ đại, một nhà giáo dục vĩ đại của chúng tôi là Khổng Tử đã từng nói một câu: ôn cố tri tân. Ý nghĩa của câu nói này tức là phải ôn tập lại những gì đã từng học, mới có thể tiếp nhận được những tri thức mới trên cơ sở đó. Cho nên bây giờ tôi sẽ khảo lại những chữ mà hôm qua tôi đã dạy cậu."

Tôi đẩy tập giấy vẽ và bút chì đến trước mặt cậu ấy: "Nào, viết chính tả nhé! Sai một chữ tôi sẽ khẽ tay cậu một cái đấy!"

Cậu ấy ngước nhìn tôi, đáy mắt tràn đầy nét cười. Cậu ấy cầm lấy bút chì và giấy vẽ, tư thế cầm bút có hơi ngượng nghịu vì chưa quen, nhưng cũng rất ra hình ra dạng. Tôi ngắm nhìn những con chữ vương vức lần lượt xuất hiện dưới ngòi bút của cậu ấy, trời ạ, cậu ấy hoàn toàn thuộc lòng tất cả những chữ mà hôm qua tôi đã dạy không sai một nét!

Tôi sửng sốt mất mấy giây đồng hồ, hồi lâu mới thu lại được cái cằm đã rơi xuống đất từ lúc nào chẳng biết, được rồi, tôi sẽ ra đề khó hơn cho cậu, xem cậu có thoát được cảnh bị cô giáo khẽ tay hay không nhé, "Nào, cậu đọc lại mỗi chữ một lần cho tôi nghe xem."

Cậu ấy lại nhìn tôi, vẫn là nụ cười ôn hòa nhã nhặn ấy. Cậu ấy lần lượt đọc lên hơn ba mươi chữ tượng hình, cái cằm tôi lại không tự giác rớt bịch xuống đất. Tuy vẫn còn mang theo khẩu âm địa phương, nhưng từng tững từng chữ một cậu ấy đều đọc đúng hết! Hôm qua tôi đâu có dạy pinyin cho cậu ấy đâu? Cái cậu nhóc này, IQ của cậu rốt cuộc cao bao nhiêu thế hả?

"I phục YOU rồi!" Tôi kinh ngạc đến nỗi chỉ có thể thốt lên một câu đó, đương nhiên hoàn toàn xuất phát từ thực tâm.

Tôi tiếp tục sự nghiệp giáo dục, dạy xong chữ tượng hình thì chuyển sang dạy chữ chuyển chú, kết hợp với những từ đơn giản. Tôi rầu rĩ nghĩ, cũng đều là học ngôn ngữ, vì sao lại có chênh lệch lớn đến thế cơ chứ? Nếu cứ tiếp tục thế này, thì lúc chữ Hán của cậu ấy có thể sáng tác văn chương thì trình độ chữ Tochari của tôi vẫn chỉ dậm chân ở chỗ học thuộc lòng từ đơn mất thôi. Điều càng khiến cho tôi buồn bực hơn đó là: cậu ấy lại dùng phương pháp ký hiệu phiên âm vừa học được để ghi chú vào chữ Hán, tuy không thể chuẩn xác như pinyin, nhưng phát âm cũng đúng đến tám chín phần mười.

Tôi rầu rĩ nghĩ: Công tác giáo dục mới toanh của tôi chẳng lẽ lại mau chóng hạ màn thế à?

 


Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng - Chương 3

 

CHƯƠNG 3 - THỜI NIÊN THIẾU - RỐT CUỘC CŨNG BIẾT LÀ Ở ĐÂU RỒI

Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi nhổ trại lên đường. Sức khỏe của tôi đã hoàn toàn hồi phục. Tôi ăn của người ta, ở nhà người ta, cho nên không thể không biết xấu hổ mà ăn không ngồi rồi, bèn định xắn tay áo lên giúp họ một tay. Nhưng mà nghĩ trong đầu và thực hành trong thực tế là hai việc khác nhau, tóm gọn lại là, lực bất tòng tâm, vì không hiểu họ nói cái gì, lúc thu dọn lều trại cũng nhờ sự giúp đỡ của tôi mà họ càng thêm vướng tay vướng chân. Cũng may mà đoàn người này dù là nam hay nữ cũng đều rất thân thiện, tôi có làm hư chuyện này chuyện nọ họ cũng không nói gì. Đương nhiên là, cho dù họ có nói đi nữa tôi cũng có nghe hiểu gì đâu!

Để tạo sự thuận tiện nhiều hơn cho tôi, họ đã dành riêng một con lạc đà cho tôi cưỡi, nhưng mà bộ Hán phục mà tôi mặc có phần tay áo rất lụng thụng, phần váy cũng dài đến mắt cá chân, về cơ bản là không cách nào leo lên lạc đà được. Bởi vì tôi cho rằng mình sẽ trở về thời Tần Hán, cho nên tôi đều ăn mặc phục sức theo lối điển hình của thời nhà Hán. Tôi hết nhìn rồi lại nhìn váy áo luộm thuộm vô tích sự của mình, nhếch miệng cười ngượng nghịu với tiểu hòa thượng.

Cậu ấy mỉm cười dịu dàng, quay sang nói líu lo gì đó với một người phụ nữ trung niên trong đoàn. Chỉ một lúc sau họ mang đến cho tôi môt bộ trang phục giống với những người phụ nữ khác. Tôi thay quần áo, có hơi rộng một chút so với thân hình tôi. Đành chịu thôi, ai bảo vóc dáng trung bình của những người này lại cao to như thế. Vai phải để trần, bên vai trái là ống tay áo dài hẹp thả xuống, thân áo dài đến đầu gối, vạt trước để hở, phía dưới là quần thụng ống túm, mang ủng cao đến gối, a ha ha, nom cũng rất fashion chứ đùa. Phụ nữ thời Hán làm gì dám mặc áo hở vai? Mà điều quan trọng nhất là: leo lên leo xuống lạc đà rất thuận tiện. Sáng sớm ở sa mạc, trời vẫn còn rất lạnh, tiểu hòa thượng rất tinh ý đưa cho tôi một chiếc khăn choàng.

Tôi đếm tới đếm lui, đoàn người này tổng cộng có gần sáu mươi người, nhưng tính cả tôi nữa cũng chỉ có năm người phụ nữ. Ngoại trừ tiểu hòa thượng, hơn năm mươi người đàn ông còn lại đều có vẻ là binh lính, mang vũ khí tùy thân hạng nặng – trường kiếm. Nhìn điệu bộ của họ, tất cả đều coi hai mẹ con người xuất gia kia là trung tâm.

Tôi vẫn còn có chút buồn bực, mặc dù tôi đã từng nhìn thấy hòa thượng hoặc ni cô mang theo người hầu tùy thân, nhưng tôi chưa từng thấy hòa thượng hoặc ni cô nào lại dẫn theo cả một đội quân bên mình. Quan sát ngôn hành cử chỉ của họ, hết thảy đều toát ra phong thái cao sang không thể chối cãi, thân phận địa vị của hai người này chắc chắn không tầm thường. Do tiểu hòa thượng là người có trình độ tiếng Hán cao nhất trong cả đoàn người, người mẹ xinh đẹp của cậu ấy hoàn toàn không thể sánh kịp, cho nên tôi thường cưỡi lạc đà sóng đôi với cậu để thăm dò tình hình.

Mặc dù giao tiếp vẫn còn khó khăn, tuy nhiên tôi đã tìm hiểu được không ít tình hình.

Tôi hỏi cậu có biết người Hán ở Trung Nguyên bây giờ do vương triều nào thống trị hay không. Cậu suy nghĩ hồi lâu mới bật ra được một âm nghe từa tựa như TẦN/THANH. Vậy thì có lẽ là Tần rồi, chắc chắn không thể nào là nhà Thanh được. Tổ chuyên gia đã nói lần trở về quá khứ này chỉ có tác dụng cộng hưởng đối với khoảng thời gian trên dưới hai ngàn năm về trước mà thôi.

Tôi lại hỏi cậu ta học tiếng Hán ở đâu, cậu hoa tay múa chân hết nửa ngày tôi mới hiểu được một chút, là do hai vị sư huynh người Hán ở Ku Zi đã dạy cậu. Tiểu hòa thượng ngượng ngùng nói cậu chỉ mới học được có vài tháng, hơn nữa đã năm năm chưa từng mở miệng nói tiếng Hán, cho nên nói rất kém.

Tôi kinh ngạc đến sững cả người. Nhìn cậu ta kiểu gì cũng không có vẻ lớn hơn mười sáu tuổi, điều này chứng tỏ cậu ấy đã học chữ Hán từ hồi mười, mười một tuổi rồi. Với cái tuổi còn nhỏ như vậy, lại còn không mở miệng nói suốt năm năm, vậy mà vẫn có thể nói được đến trình độ như thế, trí nhớ của tiểu hòa thượng này quả thật quá kinh khủng. Hồi đại học tôi từng chọn ngoại ngữ tự chọn là tiếng Đức, chỉ sau hai năm không đụng tới, bây giờ tôi chỉ nhớ có mỗi ICH LIEBE DICH (I love you), bảo tôi nói chuyện với người Đức à, bảo đảm ông nói gà bà nói vịt cho mà xem.

Do rơi xuống vùng hoang mạc, nên những địa phương tôi liên tưởng đến nếu không phải Tây Vực thì cũng là Mông Cổ, bởi vậy tôi lại hỏi tiểu hòa thượng có biết con đường tơ lụa hay không, cậu ta nghe không hiểu gì. Nhưng khi tôi giải thích về tơ lụa và lá trà từ đất Trung Nguyên bán sang cho Taziks (nay là một nước thuộc khu vực Ả Rập), Ba Tư (nay là Iran), Tachin (nay gọi là La Mã), thì cậu ấy bắt đầu vỡ lẽ. Cậu nói Ku Zi cũng nằm trên con đường này. Nghe cậu ấy nói như vậy, tôi như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Sau đó tôi cố hết sức nhớ lại những địa danh liên quan đến con đường tơ lụa, Qarasahr (Yên Kỳ), Kroran (Lâu Lan), Shule (Sơ Lặc) (nay thuộc địa khu Kashgar ở Tân Cương), Lâu Lan, Hòa Điền (nay thuộc huyện Hòa Điền, Tân Cương), Kocho (nay thuộc địa cấp thị Turfan, Tân Cương), Wusun (nay thuộc địa khu Ili, Tân Cương), Đôn Hoàng... Có những cái cậu ta suy nghĩ một chút, sau đó đáp lại tôi bằng một phát âm tương tự, tuy nhiên vẫn rất mơ hồ. Khi tôi nói đến Kucha (Khâu Từ), tôi đột nhiên ngưng bặt. Ku Zi? Kucha (nay thuộc địa khu Kuchar, Tân Cương). Hai cách phát âm này tương đối giống nhau, đó không phải là quốc gia nằm trên con đường tơ lụa, có nền văn hóa phát triển đặc sắc nhất và cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực - đất nước Kucha (Khâu Từ) - đấy chứ?

Tôi nhìn cậu ấy, đọc lại một lần cái tên Kucha, cậu ta lại suy nghĩ, rồi gật gật đầu, đưa tay chỉ chỉ vào mình. Trời ơi, tôi rốt cuộc đã biết mình đang ở đâu rồi. Tôi đã ngược thời gian và không gian đến Tây Vực!!! Tây Vực thời nhà Tần!!!

Như vậy là tôi đã gặp gỡ một đoàn người Kucha, chính là người Tochari. Tôi nhớ đã từng đọc một tài liệu nói rằng tổ tiên của người Tocha là người Nguyệt Chi, hay còn gọi là người Tochari. Đặc trưng chiếc đầu dài, sống mũi cao, đôi mắt sâu, đôi môi mỏng, hơn nữa còn có làn da trắng bóc, đây chính là chủng người Proto-Indo-Europeans (người Ấn-Âu nguyên thủy). Vào khoảng một ngàn năm trước công nguyện, người Tochari chấm dứt cuộc sống du mục, bắt đầu định cư, tạo thành dải Kocho, Qarasahr, Turfan (Thổ Phồn). Hồi đi du lịch Tân Cương tôi từng tham quan rất nhiều viện bảo tàng, thứ tạo cảm hứng nhất chính là những chiếc xác ướp, những chiếc xác ướp có tuổi thọ hơn ba ngàn năm trong tình trạng bảo tồn gần như hoàn hảo, trên khuôn mặt vẫn rất dễ nhận ra những đặc trưng của người châu Âu, nổi tiếng nhất chính là xác ướp có tên 'Người đẹp Lâu Lan'. Có điều là, Kucha tọa lạc tại vị trí xung yếu trên con đường tơ lụa, có rất nhiều chủng người quần cư, người Kucha được hình thành do sự lai tạp giữa các chủng người, cho nên so với người Ấn-Âu hiện tại, khuôn mặt của họ hơi tròn hơn một chút.

Sau cơn phấn khích, tôi liền nhanh chóng ỉu xìu. Ghi chép về Tây Vực thời nhà Tần vô cùng ít hỏi, chỉ có 'Tây Vực truyện' trong 'Hán Thư' là có nhắc đến. Lịch sử Tây Vực trong dòng chảy ký ức của người Hán chỉ bắt đầu từ thời của Hán Vũ Đế: Trương Khiên sang Tây Vực, cầu thân với Wusun, đóng quân đồn trú, khói lửa can qua với Hung Nô suốt mấy trăm năm. Có điều, khi biết được thời đại tôi đáp xuống là thời Tần, tôi vẫn ôm rất nhiều kỳ vọng. Tôi phải nhanh chóng đến Trường An mới được, nói không chừng còn có thể chứng kiến cuộc dân biến vĩ đại cuối thời nhà Tần, tìm hiểu thêm một chút về những nhân vật vang dội lẫy lừng trong lịch sử.

Tôi lại lần nữa bày tỏ nỗi nhớ nhà, ý nguyện muốn nhanh chóng trở về Trường An, tiểu hòa thượng trầm tư một lúc, nói cậu ta có thể sắp xếp. Có điều đường sá rất xa xôi, có khi mất cả năm mới đến được. Hơn nữa khắp nơi binh đao chiến loạn, vô cùng nguy hiểm.

Hả? Đã bắt đầu chiến tranh rồi à? Vậy thì tôi càng không thể trì hoãn nữa. Tôi vui vẻ nói đi nói lại, không sao không sao hết, cậu ta nhìn tôi với vẻ kỳ lạ, trong đôi mắt màu xám nhạt tràn đầy sự kinh ngạc. Tôi không biết phải giải thích như thế nào với cậu ấy việc một cô gái lại cảm thấy hứng thú đối với chiến tranh gươm giáo như vậy, chỉ biết ha ha cười ngu cho qua chuyện.

Cứ nói chuyện như vậy, trời đã gần trưa. Tuy đã vào thu, nhưng mặt trời ban trưa vẫn rất gay gắt, tôi trùm chiếc khăn choàng lên đầu che nắng. Tiểu hòa thượng thì kéo tăng bào xuống, để lộ ra phần vai phải để trần, dưới ánh mặt trời, làn da rám nắng ánh lên vẻ sáng bóng khỏe mạnh của tuổi trẻ. Loại tăng phục để trần bên vai phải này, là tăng phục phổ biến của những tăng nhân Thiên Trúc và Tây Vực. Sau này khi Phật giao lưu truyền đến Trung Nguyên, tăng phục đã có sự cải tiến cho thích hợp. Nguyên nhân là do vấn đề khí hậu mà ra, bởi vì Ấn Độ khí hậu nóng, Tây Vực lại nằm trong sa mạc Gobi, có sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ngày và đêm. Bởi vậy, loại y phục mà buổi sáng và buổi tối có thể choàng thêm, buổi trưa để vai trần là thích hợp nhất với khí hậu nơi này.

Sau đó, tôi thấy gương mặt của cậu ta dần dần đỏ ửng, ánh mắt dời sang chỗ khác không nhìn tôi nữa. Lúc này tôi mới ý thức được mình đã nhìn tăng phục của cậu ấy quá lâu, chẳng trách cậu ấy ngượng ngùng như vậy. Loại tăng phục này tôi chỉ mới được nhìn thấy qua những bức bích họa, bây giờ lại được thực mục sở thị, thế là cứ dán mắt vào đấy soi mói không rời, phép lịch sự gì gì đó đều bị tôi vứt đâu mất sạch. Cũng không thể giải thích với cậu ấy rằng tôi chỉ đang nghiên cứu, thế là tôi đành cười ha ha lấp liếm cho qua.

Đến một cánh rừng dương nhỏ, chúng tôi nghỉ ngơi một chút. những người hầu nhanh chóng bắt tay dựng lều bạt đơn giản, đi gom củi khô về nấu mì. Sau khi món mì cùng với lương khô, còn gọi là 'nang' trôi xuống bụng, cả người tôi cảm thấy thoải mái đến độ chỉ muốn nhắm mắt làm ngay một giấc. Hai mẹ con ni cô sau khi ăn xong thì vào lều tụng kinh, trên đầu gối họ, một quyển kinh được mở ra, tôi rất hiếu kỳ, liền bước đến nhìn thử, kết quả tôi kinh ngạc giật bắn cả mình.

Kinh văn được viết trên một tấm lụa, tự dạng vô cùng kỳ lạ, có lẽ là chữ tượng hình, những ký tự như những ký hiệu vô cực ∞ trình bày theo hàng lối. Tuy tôi không thể hiểu được, nhưng tôi đã được nhìn thấy thứ chữ này trước đây, văn tự này chính là văn tự đã thất truyền từ rất lâu của người Tochari. Là ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy sơ khai nhất mà con người thời nay biết đến, được phát triển trên nền tảng chữ Brahmi của Ấn Độ, đến thời hiện đại vẫn chưa được giải mã hoàn toàn.

Tôi kích động đến nỗi gần như nằm bẹp xuống săm soi bản kinh trên đầu gối của cậu chàng hòa thượng đẹp trai, miệng lẩm bẩm như lên đồng: "Trời ơi, đây chính là ngôn ngữ Tochari, chính là ngôn ngữ Tochari đó trời ơi!" Nếu có thể đưa trọn vẹn quyển kinh này về thời hiện đại, có lẽ nó sẽ có giá trị nghiên cứu vô cùng to lớn.

Ni cô xinh đẹp khẽ nhíu mày. Tiểu hòa thượng ban đầu bị tôi dọa nhạy dựng, nghe thấy mấy lời lẩm bẩm của tôi thì hỏi với vẻ khó hiểu: "Cô biết nó à? Đây là văn tự của Kucha (từ giờ sẽ gọi là Khâu Từ), không gọi là Tochari."

A, đúng rồi nhỉ, 'Tochari' là cách gọi của người Đức, người Khâu Từ lúc này đương nhiên sẽ không gọi ngôn ngữ của mình là 'Tochari'. Chỉ có điều ở thời hiện đại, mọi người đều đã mặc nhiên thừa nhận cách gọi này. Tôi cười ngượng ngập, vẫn cố dán mắt vào những ký tự loằng ngoằng như ký hiệu vô cực ∞, trong lòng tràn ngập niềm hưng phấn vì vừa được tiếp xúc với ngôn ngữ Tochari đang sống sờ sờ trước mắt.

Tôi là một người nghiên cứu lịch sử, có thể được nghe lại một ngôn ngữ đã thất truyền từ rất lâu là một việc có giá trị lịch sử rất lớn, tưởng chừng không thể nào cân đo đong đếm nổi. Để có thể giải mã được những văn tự đã chết, biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ học đã dốc tâm huyết cả đời tìm tòi đánh vật với những chồng giấy vụn tàn tích. Vào thế kỷ thứ 18, một nhà khoa học người Pháp là Jean-François Champollion đã giải mã thành công chữ tượng hình Ai Cập, bóc tách những bí ẩn đã chôn vùi suốt hàng ngàn năm, cuối cùng ông đã lưu danh sử sách. Hiện nay, việc đọc hiểu ngôn ngữ Tochari vẫn còn đang dang dở chưa đâu vào đâu, nên nếu như tôi có thể đọc được chữ Tochari...

Tôi níu chặt ống tay áo rộng của tiểu hòa thượng: "Cậu... làm ơn, dạy tôi, chữ Tochari, à, không, chữ Khâu Từ, được không?"

Trước tiên cậu ta sửng sốt, sau đó hỏi lại tôi một câu rất trật đường rầy: "Cô biết chữ Hán đúng không?"

Đến lượt tôi sững người: "Đương nhiên."

Cậu ta quay đầu lại nói chuyện với ni cô xinh đẹp bên cạnh. Ni cô lại nhìn sang tôi, rồi trả lời lại cậu ta mấy câu. Hai người cứ nói chuyện xì xà xì xồ như thế, khiến lòng tôi càng lúc càng hoang mang tợn. Đang khi tôi lo lắng sẽ bị họ từ chối, thì nhìn thấy cậu ấy quay lại đối mặt với tôi, trong đôi mắt màu xám nhạt chợt lóe lên một nét cười tinh quái: "Tôi có thể dạy cô, với điều kiện cô phải day tôi tiếng Hán."

Tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm, thì ra là trao đổi công bằng, như vậy cũng rất tốt.

"Đương nhiên là được." Tôi chần chừ một chút rồi bổ sung thêm, "Có điều tôi không rành về kinh Phật cho lắm, nếu nói về Luận Ngữ, Kinh Thi, Tả Truyện hay Chiến Quốc Sách còn may ra."

Tôi học chuyên ngành lịch sử, không phải chuyên ngành Phật học. Tuy về lịch sử Phật giáo tôi có thể tán đôi chút, nhưng cụ thể Tam Tạng Kinh, Pháp, Luận như thế nào, tôi chỉ có thể ngậm ngùi thừa nhận mình dốt đặc cán mai, một chữ cũng không biết. Bây giờ tôi đã bắt đầu hơi ân hận, nếu biết trước mình sẽ vượt thời gian về làm bạn với giới tăng lữ thế này, thì tôi đã đi trau dồi thêm vài lớp bồi dưỡng về kiến thức Phật giáo rồi.

"Không cần kinh Phật đâu, cô nói về những thứ kia là được rồi." Xem ra cậu ta rất vui vẻ, đầu mày cuối mắt đều tràn ngập nét cười rạng rỡ như ánh mặt trời.

Tôi đột nhiên nghĩ đến một chuyện, kinh Phật ở Trung Nguyên đều được phiên dịch từ tiếng Phạn và các quốc gia vùng Tây Vực, cậu ấy là một tăng nhân người Khâu Từ, sao lại học chữ Hán ở chỗ tôi nhỉ, tăng nhân người Hán phải học hỏi ở cậu ấy mới đúng chứ!

Hôm ấy tôi còn phát hiện một số việc rất thú vị: hai mẹ con người tu hành này sau bữa cơm trưa sẽ không ăn thêm bất cứ thứ gì nữa. Người cổ đại ăn một ngày hai bữa cơm, người tu hành lại càng nghiêm ngặt hơn. Tôi có nhớ mang máng tăng nhân đúng là không ăn gì sau giờ Ngọ. Tôi nêu thắc mắc với cậu ấy, cậu ấy nói với tôi bằng tiếng Hán vẫn chưa được trôi chảy lắm của mình, giới luật quy định, thời gian từ sáng đến trưa là có thể ăn uống, từ sau giờ Ngọ cho đến sáng sớm ngày hôm sau sẽ không được ăn gì cả.

Nguyên nhân có giới luật này là, một vị đệ tử Sa môn đi khất thực vào chạng vạng tối, do trời tối không thấy đường, một người phụ nữ có thai đã nhầm tưởng người ấy là yêu quái, bà quá sợ hãi dẫn đến sinh non, cho nên Phật Thích Ca mới đặt ra giới luật này. Nhưng mà đối với người bệnh hoặc người phải lao động cực nhọc, để duy trì thể lực bắt buộc phải bồi dưỡng bằng thức ăn, họ vẫn có thể ăn cơm tối.

Tôi gật gật đầu, trong lòng nghĩ, vào thời đại của Phật Thích Ca, hơn phân nửa tăng lữ đều tọa thiền, thể lực tiêu hao không nhiều, cho nên sau giờ Ngọ không ăn cơm cũng không có vấn đề gì cả. Nhưng sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, tăng lữ đều ăn bữa tối. Đó là vì ở Trung Nguyên, đại đa số tăng lữ đều phải ra đồng làm ruộng, cho nên giới luật phải được sửa lại cho hợp lý. Qua đó có thể thấy rằng, trong những thời điểm khác nhau, tại những địa phương khác nhau, có thể đặt ra hoặc thay đổi giới luật, điều này thể hiện tính linh hoạt của Phật giáo, thảo nào đã trải qua hơn hai ngàn năm mà Phật giáo vẫn phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc như vậy.

Quan sát cách họ ăn cơm, rồi lại nhìn họ uống nước, cũng có những phát hiện rất thú vị. Những thị nữ sẽ dùng một thứ gì đó giống như túi lưới, đầu tiên là lọc sạch, sau đó mới đưa đến cho họ. Tôi vừa bắt đầu cho rằng nước lấy trong sa mạc sẽ có lẫn tạp chất, nồng độ muối kiềm khá cao, cho nên cần phải lọc qua một lượt. Nhưng khi thấy nước mình uống không trải qua thao tác lọc, tôi mới cảm thấy thắc mắc.

Cậu ấy lại ngọng nghịu giải thích cho tôi biết: người tu hành phải uống nước đã được lọc là vì để tranh uống phải những vi sinh vật trong nước vào bụng, gây ra việc vô ý sát sinh, theo quy định trong giới luật, tăng lữ phải luôn mang theo túi lọc bên người, không có túi lọc thì không thể đi xa khỏi nơi ở quá hai mươi dặm.

Sau khi nghe cậu ta giải thích, tôi lập tức nhớ ra ngay, lúc pháp sư Huyền Trang đi vào một vùng sa mạc hoang vu không có người ở, từng phải đổ bỏ toàn bộ nước trong túi da, suýt chút nữa chết khát. Sở dĩ ngài phải đổ bỏ hết những giọt nước quý giá ấy là vì quá mức tuân thủ giới luật, phải lọc nước một cách nghiêm ngặt mới uống.

Buổi tối, tôi ngồi cạnh đống lửa bên ngoài lều ghi ghi chép chép về những điều đã khảo sát được, tôi cẩn thận ghi lại hết thảy những gì mình đã nghe, đã thấy. Trên đỉnh đầu, sao giăng lấp lánh đầy trời, tựa những đốm đèn điện nhấp nháy lập lòe trên bức màn nhung màu xanh sẫm.

Tôi đã từng ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời đêm trong veo quang đãng ở Tân Cương thế kỷ 21, khi đó tôi từng nghĩ, không biết người cổ đại có nhìn thấy cùng một bầu trời đêm giống tôi hay không? Bây giờ khi tôi ngắm nhìn sao đêm, có phải bầu trời bây giờ so với ở thời hiện đại lại càng trong trẻo thuần khiết hơn không nhỉ? Vấn đề này khiến tôi rơi vào trạng thái mơ màng trầm tư, nhưng càng nghĩ lại càng không cách nào trả lời được. Có phải có hai tôi ở hai thế giới song song đang đồng thời ngẩng mặt ngắm trời cao như thế này không? Tôi này và tôi đó, rốt cuộc là đang tồn tại như thế nào?


Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng - Chương 2

 


CHƯƠNG 2 - THỜI NIÊN THIẾU - HÒA THƯỢNG VÀ NI CÔ

Sau khi tỉnh lại, tôi nhận ra tôi đang ở giữa một đoàn người rất kỳ lạ, có đàn ông lẫn phụ nữ, đặc trưng diện mạo của họ rất khác lạ: mũi cao mắt sâu, đôi môi mỏng, mặt tròn cổ ngắn, làn da trắng mịn, tròng mắt màu nâu. Đàn ông tráng kiện mạnh khỏe, đàn bà đầy đặn nở nang, ai nấy đều rất cao lớn. Đàn ông hay phụ nữ cũng đều cắt tóc ngắn, màu tóc nâu và xoăn xoăn. Cách ăn mặc phục sức của họ càng lạ lùng hơn, đàn ông mặc áo ngắn cổ bẻ chít eo, ống tay áo hẹp, mang giày ống cao đến tận đầu gối, sau lưng giắt kiếm, phụ nữ phục sức đơn giản hơn nhiều, áo dài đến đầu gối, vai phải để trần, tay áo bên trái cũng hẹp, đeo khăn quàng cổ bằng sợi bông, và cũng mang giày ống cao cổ.

Tôi không khỏi khâm phục bản thân, trong tình trạng đói lả khát khô mà vẫn có thể đưa ra nhận xét về diện mạo phục sức một cách chuyên nghiệp chỉ qua vài lần đưa mắt quan sát. Có điều là, bây giờ những điều này không còn quan trọng nữa, bởi vì tôi đã ngửi thấy mùi của thức ăn rồi.

Là mấy cái bánh và một bát nước mì còn nóng hôi hổi, kích thích tuyến nước bọt của tôi hoạt động hết công suất. Từ tay một người phụ nữ tuổi chừng bốn mươi, tôi vội vàng đón lấy, nói tiếng cảm ơn qua loa, rồi ăn ngấu ăn nghiến như sắp chết đói đến nơi. Mấy cái bánh bị tôi càn quét một hơi hết sạch, nước mì cũng bị tôi húp đến giọt cuối cùng, dạ dày tôi rốt cuộc cũng đã có phản ứng. Thực ra tôi vẫn còn muốn ăn nữa, đang định mạo muội hỏi họ rằng có thể ăn thêm một chút nữa hay không, thế là đột nhiên phát hiện: bất đồng ngôn ngữ.

Bất đồng ngôn ngữ là chuyện bình thường, những người này nhìn là biết không phải người Hán, tôi cũng không biết mình rốt cuộc có trở về thời cổ đại hay không. Cũng có khi vừa rồi tôi chỉ làm một chuyến bay miễn phí, rơi vào một sa mạc nào đó vùng trung đông hoặc châu phi, rồi lại lạc vào một bộ lạc du mục lạc hậu, kết quả vẫn là thế kỷ 21.

Giữa những tiếng xì xà xì xồ nghe không tài nào hiểu nổi, tôi càng nghĩ càng rầu rĩ cả người, đột nhiên có hai người vén lều bước vào, họ vừa vào trong, những người khác lập tức im bặt, sắc mặt cũng trở nên cung kính. Tôi có thể nhận ra người vừa đến chắc chắn có địa vị không hề tầm thường, nhưng khi hai người ấy đứng trước tấm thảm chỗ tôi đang nằm, tôi cả kinh há hốc mồm, hồi lâu cũng chưa khép miệng lại được.

Là một ni cô tầm bao mươi tuổi và một tiểu hòa thượng khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Thân phận này đã rất kỳ lạ rồi, nhưng càng khiến người ta ngạc nhiên hơn đó là, từ trên người họ tỏa ra một thứ khí chất cao quý tự nhiên, dù chỉ là im lặng đứng đó, cũng hiển hiện tinh hoa hàm ẩn không chút tầm thường.

Diện mạo của ni cô cũng không khác lắm so với những người phụ nữ ở chung quanh tôi, nhưng làn da của bà trắng trẻo hơn họ. Đôi mắt rất to, lông mày dày rậm, đôi đồng tử màu nâu nhìn tôi chăm chú, khiến tôi cảm thấy một thứ áp lực vô hình. Thân hình bà nở nang đầy đặn, chiếc áo cà sa màu rượu chát trên người không thể nào che giấu được dáng vẻ đẹp đẽ của bà. Chỉ là tôi cảm thấy phần trán của bà không như những người bình thường khác, giống như từng bị cái gì đè bẹp xuống, đổ về phía sau, bởi vì cái đầu trọc lóc, nên càng thấy kỳ dị hơn. Tôi nhớ người Ai Cập và cả người Ba Tư cổ đại đều có tập tục ép bẹp trán từ nhỏ như vậy, có điều chỉ hạn chế trong thành viên hoàng tộc. Không biết bà như thế là do bẩm sinh hay là cố ý ép dẹp đầu. Chẳng qua cái trán dẹp đó chẳng thể nào che giấu được vẻ đẹp của bà, cả người bà hàm súc ý vị từng trải, chín chắn.

Tôi lại đánh giá tỉ mỉ vị hòa thượng thiếu niên tầm mười lăm mười sáu tuổi kia, không khỏi thầm khen trong bụng, thật sự vô cùng điển trai nho nhã, ăn đứt người khác! Cũng là mũi cao, mắt sâu, nhưng không hề có vẻ thô lậu như những người đàn ông kia. Cả khuôn mặt tựa như một pho tượng Hy Lạp được điêu khắc hoàn hảo, những đường nét rõ ràng mang đến cảm giác lập thể tuyệt đối. Ngũ quan vô cùng hài hòa, hàng lông mày dày rậm, sống mũi cao thẳng tắp, đôi đồng tử màu xám nhạt được nạm vào khuông mắt vừa to vừa sâu thăm thẳm, trong veo như bầu trời cao vời vô tận phía trên sa mạc Gobi. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng tự cậu ấy đã tỏa ra hào quang rạng rỡ, lúc nhìn tôi, ánh mắt mang theo mấy phần dịu dàng, mấy phần tò mò nghiên cứu.

Đôi môi của cậu ấy rất mỏng, viền môi rõ ràng, lúc nhếch miệng sẽ cong lên một độ cong thuần khiết tuyệt đẹp. Khuôn mặt hẹp dài, cằm nhọn như đẽo gọt, chiếc cổ cao gầy thon dài đẹp đẽ tựa thiên nga. Làn da của cậu không trắng trẻo nhưng những người khác trong lều, mà có màu bánh mật. Chiếc cà sa to rộng bao phủ toàn thân, chiều cao gần một mét bảy càng khiến thân hình cậu cao lớn, nhưng cơ thể vẫn còn gầy ốm do chưa phát triển đầy đủ. Hiện tại cậu vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn, ngày tháng trôi qua, hẳn khi trưởng thành cậu sẽ cao đến hơn một mét tám.

Tôi chăm chú nhìn hai con người kỳ lạ trong lều, trong đầu vô số ý nghĩ vùn vụt lướt qua. Tôi nghe họ mở miệng nói chuyện với tôi, trời ơi, là tiếng Hán, có điều không được mạch lạc cho lắm.

Tôi cố hết sức lắng nghe, phân tích cuối cùng cũng hiểu họ hỏi tôi từ đâu đến đây, vì sao lại lưu lạc chốn này. Tôi đau khổ ngẩng mặt lên: "Các vị có thể nói cho tôi biết: tôi đang ở đâu và nơi này là quốc gia nào hay không?"

Ni cô xinh đẹp kia rõ ràng là không nghe hiểu tôi nói gì, có điều hòa thượng thiếu niên có vẻ là hiểu được. Cậu ấy đột nhiên ngồi xuống, gương mặt tuấn tú trong veo nhanh chóng phóng to ra trước mặt tôi. Tôi nhìn đăm đăm ngũ quan đoan chính của cậu, tim bất chợt đập mạnh một tiếng, tự nhiên khiến tôi giật mình hoảng hốt.

"Wen Shu Ni, chúng tôi đến, sắp rồi. Cổ là người Hán á?

Đang rầu rĩ vì tim đập mạnh chẳng rõ vì sao, chợt nghe thấy cậu ta đảo lộn chủ ngữ vị ngữ, phát âm ngọng líu ngọng lô với vẻ mặt đầy nghiêm trang như vậy, khiến tôi không nhịn được mà phì cười một tiếng.

Cậu ta có vẻ ngượng ngùng, gương mặt hơi ửng đỏ lên: "Tiếng Hán, tôi, nói, không tốt."

Cậu ta quay đầu lại, nói xì xà xì xồ gì đó với ni cô xinh đẹp kia. Tôi vội vàng nín cười, nhớ lại cậu ta vừa nhắc đến Wen Shu Ni, đó là nơi nào thế nhỉ? Tôi lục lọi mọi dữ liệu trong đầu dựa theo phát âm của cậu ta, có vẻ như đây không phải là một địa danh trên đất Hán.

Cậu ấy lại quay sang tôi nói tiếp: "Cổ, đâu, đi?"

Tôi thử thăm dò: "Trường An, có biết không?"

Thấy cậu ấy gật đầu, tôi liền thở hắt ra một hơi. May quá, địa danh Trường An đã tồn tại ở thời đại này rồi.

"Nhưng mà..." Cậu ấy nhìn tôi, có vẻ do dự, "Rất xa, một người, cổ?"

Tôi bất đắc dĩ gật đầu, lúc này ngoại trừ Trương An tôi cũng không nghĩ ra được mình có thể đi đâu, đến đó không cần biết thế nào, ít nhất vẫn có thể hiểu được ngôn ngữ.

"Chúng tôi, đi Ku Zi, cổ, cùng đường, có thể."

Thấy cậu ấy gian nan nặn ra từng chữ, tôi rất muốn cười phá lên, nhưng lại phải cố gắng nín nhịn. Người ta đã cứu tôi, lại còn có thể giao tiếp với tôi, đã là rất không dễ dàng gì rồi. Trong lòng tôi lại suy nghĩ, "Ku Zi" là nơi nào? Tôi đáp xuống đây đã được bảy tám tiếng đồng hồ, nhưng vẫn chưa rõ vị trí địa lý và thời đại lịch sử mình đang ở. Haiiizzzz, đường đường là một nghiên cứu sinh khoa lịch sử hàng thật giá thật của một trường đại học danh tiếng, thế mà mặt mũi trường đều bị tôi ném đâu mất sạch.

"Cổ, tền gí?"

"Hả?" Tôi hoang mang, chưa kịp hiểu cậu ta nói gì. Cậu ta hỏi lại lần nữa, lúc này tôi mới hiểu, té ra 'tền gí = tên gì'.

"À, tôi tên là Ngải Tình."

Tên gọi của tôi từ lâu đã là trò cười cho mọi người. Từ nhỏ đến lớn tôi đều gắn với biệt hiệu: LOVE. Đám con trai luôn rất thích gào lên với tôi một cách thô lỗ: Aaa, MY LOVE! Tôi từng kháng nghị, bảo bố mẹ đổi tên, nhưng đều bị họ bác bỏ. Người ta gọi mãi rồi tôi cũng quen. Gọi 'Ái Tình' cũng chẳng có vấn đề gì, tiếc là dù bị gọi quanh năm suốt tháng, nhưng thần tình yêu của tôi vẫn mãi chẳng thấy tăm hơi.

"Tôi tên là..."

Cậu ấy phun ra một tràng âm thanh thật là dài, tôi chẳng thể nào nhớ nổi, chỉ biết há mồm nhìn cậu ấy. Cậu ấy rất hiểu ý người khác, lặp đi lặp lại tận ba lần. Căn cứ theo phát âm của cậu, tôi tim được những chữ Hán tương ứng: Ku-mo-ro-ji-ba, thật sự khá là khó đọc. Tôi cố hết sức lẩm bẩm cho thuộc: Ku-mo-ro-ji-ba, Kumorojiba, Kumorojiba...

Khóe môi của cậu ấy càng lúc càng giương cao lên, rốt cuộc cũng cười ra tiếng. Giọng cười trong trẻo thanh tân, như dòng suối trong vắt chảy róc rách nơi khe núi. Nhớ lại tôi vừa cười cậu ấy phát âm chữ Hán không chuẩn, bây giờ bị cậu ấy cười lại, mặt tôi phút chốc hơi nóng lên.

Cậu ấy chỉ cười một chút thôi, nhìn thấy sắc mặt ngượng ngùng của tôi, vội vàng nín bặt, nghiêm nghị đưa tay chỉ ni cô xinh đẹp đứng phía sau: "Tôi, mảo thăn, Jiba."

Bây giờ tôi đã có thể thích ứng với khẩu âm của cậu ấy, tự động dịch ra: 'mảo thăn = mẫu thân'.

Ni cô xinh đẹp này lại là mẹ của cậu ấy sao? Thế gia Sa môn à? Trong lòng không khỏi nghĩ: Nhìn cậu ta vẫn còn thiếu niên, có phải là do mẹ cậu hướng cậu vào cửa Phật không nhỉ? Lòng đột nhiên dâng lên một tia đáng tiếc, nhưng rất nhanh liền lắc đầu rũ bỏ ý nghĩ không nên kia. Jiba? Không biết đó là tên gọi của bà ấy hay là tôn xưng đối với bà nhỉ? Tôi thử thăm dò gọi bà một tiếng Jiba, bà liền lịch sự gật gật đầu.

"Cổ, nghí ngoi som đi, chúng ta, ngai mai, lến đương." (phiên dịch: Cô nghỉ ngơi sớm đi, ngày mai chúng ta lên đường.)

Sau khi tiểu hòa thượngvà ni cô đi, tôi và bốn người phụ nữ khác cùng ở lại trong một chiếc lều. Tuy nghe không hiểu họ nói những gì, nhưng họ đều rất thân thiện. Tôi lại không biết xấu hổ nói muốn ăn thêm, ngay lúc họ đang sắp xếp chăn chiếu ấm áp cho tôi ngủ nghỉ.

Cứ thế, tôi bỗng nhiên rơi vào một môi trường sống hoàn toàn xa lạ, giao tiếp không thuận lợi, đã vậy không biết mình đang ở đâu. Bên ngoài căn lều, loại gió riêng biệt chỉ có ở sa mạc mặc sức rít gào, như than như khóc trong bóng đêm tịch mịch cô liêu. Tôi chẳng kiên cường như vẻ ngoài chút nào, vừa nhắm mắt lại, cảm xúc nhớ nhà lập tức dâng trào, thổn thức bên gối. Không muốn phải rơi nước mắt vì nhớ bố mẹ, tôi vận dụng tất cả những cách đánh lạc hướng thường thấy nhất.

Trong đầu chợt hiện lên những trang bị, vật dụng chung quanh mà ban nãy trước khi ngủ tôi đã chú ý quan sát, sau đó đặt cho từng thứ một một cái tên thật chuyên nghiệp: tôi ngủ trên một tấm thảm nhung có hoa văn hình thoi, gối đầu bằng gấm có hoa văn hươu nai, đắp một tấm chăn hoa văn hình tam giác, bình đựng nước là bình sứ trang trí hoa văn mắt lưới, thứ vừa đựng bánh lúc nãy là một chiếc mâm bằng gốm màu xám tro.

Tôi nghĩ có lẽ tôi đã về thời cổ đại thật, bởi vì kỹ thuật chế tác đồ gốm này vẫn còn rất thô sơ. So với trình độ làm gốm sứ ở Trung Nguyên mà nói, kỹ thuật thô sơ này phải cách thời hiện đại hai ngàn năm trở lên, không biết nơi đây thì thế nào.

Bên ngoài căn lều, tiếng gió vẫn tiếp tục gào thét, trong lều tiếng ngáy đều đều vang lên, hết thảy đều không cản được cơn buồn ngủ vì mệt mỏi suốt một ngày dài, tôi kéo chăn trùm kín người, rốt cuộc cũng chìm vào giấc ngủ.

 

Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng - Chương 1

 Tôi thích, cực thích tác phẩm 不负如来不负卿(旧本), nhưng lại không ưng ý bản dịch đã xuất bản cho lắm, nên dịch lại, để đọc. Mọi người cùng đọc cũng tốt, nhưng xin đừng đưa đi đâu ra ngoài, ngoài những nơi tôi đã đăng. Mọi thứ ở đây đều thuộc sở hữu cá nhân. Cảm ơn!


CHƯƠNG 1 - THỜI NIÊN THIẾU - TRẢI NGHIỆM CỦA CHUỘT BẠCH

Tôi ngồi đần người trên cồn cát. Dõi mắt tít tắp, tận chân trời đều là biển cát mênh mông. Mấy con lạc đà hoang dã ngoài xa nhàn nhã lắc lư, chẳng đợi tôi kịp đến gần, đã co chân chạy như bay, linh hoạt tinh quái hơn nhiều so với lạc đà đã được thuần hóa. Tôi cà nhắc cà nhắc xiêu vẹo trên cồn cát, đi bộ suốt hai ba tiếng đồng hồ, mà hình như chỉ quanh đi quẩn lại một chỗ, mệt muốn chết đi được. Chẳng có GPS, không cách nào phân biệt được đông tây nam bắc gì, tôi loạng choạng bước trong vô định, đương nhiên là chẳng ăn thua gì. Cũng may bây giờ là tháng mười, mùa thu, tuy rất hanh khô, nhưng nhiệt độ sa mạc vẫn có thể chấp nhận được. Có điều ngước mắt lên nhìn, mặt trời đã ngả về tây, tôi vẫn không khỏi sợ hãi trong lòng. Chỉ cần trời tắt nắng, trong tình trạng không có trang thiết bị cắm trại, tôi bắt buộc phải qua đêm trong sa mạc, như vậy nếu không phải chết vì đói, thì cũng sẽ chết vì rét.

Tôi nheo mắt ngẩn người trong chốc lát, đến bây giờ vẫn chưa thoát khỏi cảm giác lâng lâng choáng váng kể từ khi tiếp đất. Tôi giơ tay trái lên, nhìn đồng hồ vượt thời gian đeo trên cổ tay, hít vào một hơi. Lần vượt thời gian thứ ba ngày có lẽ phải tuyên bố thất bại rồi, có điều, so với hai lần trước, cũng coi như có tiến bộ, vì dù sao cũng có thể đáp xuống đất.

Tôi tham gia làm chuột thí nghiệm cho dự án vượt thời gian này cũng đã hơn một năm. Là một nghiên cứu sinh khoa Lịch sử, vốn tôi sẽ cùng tham gia công tác chỉ đạo dự án cùng với thầy hướng dẫn là một giáo sư sử học nổi tiếng cả nước.Tuy nhiên, các nhà sinh vật học sau khi gặp tôi đã nằng nặc bảo tôi đi kiểm tra sức khỏe, sau đó đưa ra kết luận rằng thể chất của tôi là phù hợp nhất cho việc vượt thời gian.

Thì ra là, những người tình nguyện tham gia thí nghiệm trước đó tuy nhiều những không một ai thành công, cho nên tổ chuyên gia đã giải tán hết, sau đó vừa giải thích vừa khuyên nhủ tôi gia nhập. Là một nhân viên có tính tự giác chuyên nghiệp cao, tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ bóc tách tầng tầng lớp lớp bí ẩn của lịch sử, phơi bày chân tướng ra ánh sáng. Việc trở về quá khứ, đích thân thể nghiệm lịch sử này, ai có thể làm được? Nếu thành công, tôi sẽ trở thành người đầu tiên, có ý nghĩa to lớn đủ để lưu danh sử sách.

Tôi là một cô gái rất có tinh thần phấn đấu vì sự nghiệp, phương châm sống của tôi là "đọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường, nghe muôn câu chuyện", luôn hy vọng thành tựu học thuật của tôi một ngày nào đó sẽ sánh bằng sếp tôi - à, chính là thầy hướng dẫn của tôi ấy, thời đại học tôi luôn gọi thầy là sếp. Bởi vậy nên tôi đã động lòng, bị tinh thần nhiệt huyết cực kỳ cao của đội ngũ chuyên gia làm chao đảo triệt để, đồng ý bước lên sàn thí nghiệm.

Lần thí nghiệm đầu tiên, tôi biến mất khỏi sàn thí nghiệm chưa được nửa phút đã phải lộn nhào trở lại. Ngoài cảm giác buồn nôn kinh khủng không biết để đâu cho hết khi du hành thời gian thì chẳng thể nhớ được bất kỳ điều gì. Trang thiết bị đeo lên người định đưa về quá khứ như thiết bị thăm dò đồng vị C14, máy định vị GPS, máy tính cá nhân, máy ảnh kỹ thuật số, vv, đều bị chấn động phóng xạ cao tần làm hư hỏng toàn bộ. Tổ chuyên gia kết luận: không thể mang theo thiết bị điện tử. Thế là sau khi nằm liệt giường nửa tháng, tôi được huấn luyện cấp tốc một khóa sử dụng các dụng cụ thủ công trong vòng ba tháng, bao gồm cả kỹ thuật sử dụng xẻng Lạc Dương.

Lần thứ hai đã tiến bộ hơn, tôi biến mất được hẳn mười phút. Đang khi mọi người nhảy nhót vui mừng chuẩn bị mở tiệc mừng công thì tôi rơi một cú đau điếng xuống bãi cỏ bên ngoài phòng thí nghiệm. Sau khi tỉnh lại, ký ức của tôi trong lúc du hành thời gian chỉ là loáng thoáng thấy được đường sá và người ta, theo cách bố trí nhà cửa và trang phục thì có lẽ là vào thời nhà Hán. Nhưng tôi còn chưa kịp ghi chép lại, một lực hút cực lớn đã kéo tôi quay trở về, đống dụng cụ thủ công tôi vác trên lưng bị vỡ thành mấy mảnh.

Căn cứ theo mô tả của tôi, tổ chuyên gia suy đoán có thể tôi đã đi ngược thời gian về khoảng hai nghìn năm trước, cho nên trong lúc tôi nằm trên giường dưỡng bệnh đã tranh thủ ôn lại kiến thức về thời Chiến quốc Tần Hán. Vết thương còn chưa lành, tôi đã bị lôi đi học phác họa, vẽ phối cảnh và vẽ công trình, tổ nghiên cứu nhỏ rốt cuộc đã từ bỏ ý tưởng để tôi mang theo những dụng cụ cỡ lớn, chỉ mang theo những dụng cụ nhỏ đơn giản dễ sắp xếp và mang vác.

Sau khi học vẽ được gần nửa năm, sàn thí nghiệm lại được cải tiến lần nữa, trở thành  máy quét CT. Lần này tôi chỉ mang theo đồ dùng tùy thân và số lượng lớn bút chì giấy vẽ có thể gấp gọn được để lên đường. Gần đến ngày khởi hành, sếp tôi dặn đi dặn lại, tuyệt đối không được để lại bất cứ vật phẩm hay rác rến nào của thế kỷ 20 ở thời cổ đại, bởi vì điều đó sẽ mang đến vô số phiền toái cho các nhà sử học, khảo cổ học sau này.

Lần du hành thời gian này của tôi rốt cuộc đã có hiệu quảs, hơn nữa còn hạ cánh rất nhẹ nhàng, bởi vì rơi trên sa mạc nên tôi không gặp bất kỳ tổn thương nào. Nhưng mà sau khi nhận thức được một cách rõ ràng, tôi nhận ra khi tôi rơi xuống sa mạc thì tình hình còn hỏng bét hơn. Bởi vì tôi không thể tìm được con người hay vật tham chiếu cuộc sống của con người, tôi đi suốt hai ba tiếng đồng hồ vẫn không thể xác định được tôi rốt cuộc có phải đã du hành về thời cổ đại hay không. Tôi chỉ có thể khẳng định một điều: tôi đã rời khỏi phòng thí nghiệm.

Tôi không có nước, lương thực hay thuốc men gì hết, bởi những thứ đó sẽ bị nhiễm phóng xạ do máy du hành thời gian. Trong chiếc ba lô đã được cải tiến của tôi chỉ có con dao Thụy Sĩ, la bàn, quần áo để thay, máy tính xách tay, một số công cụ khảo cổ đơn giản, một cuộn giấy vẽ lớn và bút chì, ngoài ra còn có một ít tiền lẻ có thể sử dụng được, vv. Hoàn toàn không có thứ gì giúp ích được ngay lúc này. Xem ra phải từ bỏ lần thí nghiệm này thôi, trở về để mọi người tiếp tục cải tiến, ít nhất lần sau phải đặt cái mông xuống chỗ nào có người mới được. Tôi hít vào một hơi, trong lòng không khỏi ủ rũ tiếc nuối. Có điều mặt trời đã sắp lặn, tôi phải tranh thủ thời gian, nếu không, không đủ năng lượng mặt trời thì không thể khởi động cái máy này được.

Tôi lấy mũ chống tia bức xạ trong bộ Hán phục đang mặc trên người ra, cẩn thận đội lên đầu, găng tay cũng mang vào, kéo phẹc mơ tuya đàng hoàng. Giơ tay lên, canh chiếc đồng hồ vượt thời gian siêu to đeo trên cổ tay thẳng hướng với mặt trời, mở chốt bảo hiểm, thầm đếm trong lòng: 1, 2, 3,...

Đã đến đến 10 rồi, mà vẫn chẳng mảy may động tĩnh. Tôi tiếp tục đếm, đến 20, 50, 100...

Vẫn không được, thật sự xui xẻo như vậy sao trời? Tôi lột cái mũ xuống, thận trọng nhìn chăm chú cái đồng hồ giở chứng, không nhúc nhích. Vỗ vỗ mấy cái, hoàn toàn im lặng. Tôi điên cuồng giơ nó ra trước mặt trời, vẫn im ru bà rù. Tôi bực mình lột cái đồng hồ vứt sang một bên, đèn báo hiệu màu xanh vẫn tắt ngóm.

Gió nổi, cát vàng thốc lên mù mịt che kín mặt trời. Cái đồng hồ này phụ thuộc vào năng lượng mặt trời chuyển hóa thành điện năng, không có ánh nắng, tôi không thể nào trở về được. Tôi sắp sửa bỏ mình trên sa mạc bốn bề đầy cát không biết nằm ở vị trí nào trên bản đồ, cũng không biết là vào thời đại nào, trong lòng hoảng hốt hoang mang không nói nên lời, bao nhiêu uất ức chất chứa trong đầu, không cách nào xả ra, cũng không cách nào thoải mái.

Tôi chỉ tay lên trời trách móc tổ chuyên gia, không cho tôi mang theo nước và lương thực, lại để tôi vác theo mấy đồng tiền chết, trong tình trạng của tôi hiện giờ thì tiền há có tác dụng gì? Nếu biết trước tình hình sẽ mau chóng xấu đi như vậy, thì cho dù phải bị nhiễm phóng xạ, tôi cũng phải kiên quyết mang theo thức ăn nước uống. Tôi đã ba lần chui vào cái máy chết tiệt đó, chẳng lẽ còn chưa bị nhiễm phóng xạ sao? So với chuyện chết đói chết khát, tôi thà chết nghẹn trong mớ bánh mì bị nhiễm phóng xạ còn hơn.

Tôi nuốt vào một mồm cát ho sặc sụa, chính thức chấm dứt bài tố khổ, chút hơi tàn vẫn nên bớt phí phạm thì tốt hơn. Mặt trời lặn xuống rất nhanh, chẳng bao lâu sa mạc đã lạnh đến cắt da cắt thịt. Bộ quần áo chống tia phóng xạ của tôi vẫn có thể chống lại cái rét, nhưng tôi vừa đói lại vừa khát. Tôi co người lại lập cập bò lên đỉnh đồi cát gần nhất để nhìn khắp bốn phía, trong bóng tối, tôi nhìn thấy đằng xa xa có ánh lửa lập lòe. Trời ạ, từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa bao giờ được nhìn thấy ánh lửa nào ấm áp như thế..

Tôi không còn nhớ bản thân mình đã lang thang trong sa mạc mịt mù giữa đêm đen và hoảng sợ bao lâu, chỉ nhớ lúc tôi xiêu vẹo lảo đảo ngã nhào xuống trước đống lửa ấy, tôi đã đói đến nỗi đầu óc mơ hồ, khát đến nỗi môi miệng nứt toác ra rồi. Tôi còn kịp nhận ra chung quanh đống lửa có mấy chiếc lều vải, có tiếng người nói, có lạc đà, hai mắt tôi nhắm hướng ánh sáng xông đại vào một cái lều, sau đó bất tỉnh nhân sự.