Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Chẳng phụ Như Lai, chẳng phụ nàng - Chương 3

 

CHƯƠNG 3 - THỜI NIÊN THIẾU - RỐT CUỘC CŨNG BIẾT LÀ Ở ĐÂU RỒI

Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi nhổ trại lên đường. Sức khỏe của tôi đã hoàn toàn hồi phục. Tôi ăn của người ta, ở nhà người ta, cho nên không thể không biết xấu hổ mà ăn không ngồi rồi, bèn định xắn tay áo lên giúp họ một tay. Nhưng mà nghĩ trong đầu và thực hành trong thực tế là hai việc khác nhau, tóm gọn lại là, lực bất tòng tâm, vì không hiểu họ nói cái gì, lúc thu dọn lều trại cũng nhờ sự giúp đỡ của tôi mà họ càng thêm vướng tay vướng chân. Cũng may mà đoàn người này dù là nam hay nữ cũng đều rất thân thiện, tôi có làm hư chuyện này chuyện nọ họ cũng không nói gì. Đương nhiên là, cho dù họ có nói đi nữa tôi cũng có nghe hiểu gì đâu!

Để tạo sự thuận tiện nhiều hơn cho tôi, họ đã dành riêng một con lạc đà cho tôi cưỡi, nhưng mà bộ Hán phục mà tôi mặc có phần tay áo rất lụng thụng, phần váy cũng dài đến mắt cá chân, về cơ bản là không cách nào leo lên lạc đà được. Bởi vì tôi cho rằng mình sẽ trở về thời Tần Hán, cho nên tôi đều ăn mặc phục sức theo lối điển hình của thời nhà Hán. Tôi hết nhìn rồi lại nhìn váy áo luộm thuộm vô tích sự của mình, nhếch miệng cười ngượng nghịu với tiểu hòa thượng.

Cậu ấy mỉm cười dịu dàng, quay sang nói líu lo gì đó với một người phụ nữ trung niên trong đoàn. Chỉ một lúc sau họ mang đến cho tôi môt bộ trang phục giống với những người phụ nữ khác. Tôi thay quần áo, có hơi rộng một chút so với thân hình tôi. Đành chịu thôi, ai bảo vóc dáng trung bình của những người này lại cao to như thế. Vai phải để trần, bên vai trái là ống tay áo dài hẹp thả xuống, thân áo dài đến đầu gối, vạt trước để hở, phía dưới là quần thụng ống túm, mang ủng cao đến gối, a ha ha, nom cũng rất fashion chứ đùa. Phụ nữ thời Hán làm gì dám mặc áo hở vai? Mà điều quan trọng nhất là: leo lên leo xuống lạc đà rất thuận tiện. Sáng sớm ở sa mạc, trời vẫn còn rất lạnh, tiểu hòa thượng rất tinh ý đưa cho tôi một chiếc khăn choàng.

Tôi đếm tới đếm lui, đoàn người này tổng cộng có gần sáu mươi người, nhưng tính cả tôi nữa cũng chỉ có năm người phụ nữ. Ngoại trừ tiểu hòa thượng, hơn năm mươi người đàn ông còn lại đều có vẻ là binh lính, mang vũ khí tùy thân hạng nặng – trường kiếm. Nhìn điệu bộ của họ, tất cả đều coi hai mẹ con người xuất gia kia là trung tâm.

Tôi vẫn còn có chút buồn bực, mặc dù tôi đã từng nhìn thấy hòa thượng hoặc ni cô mang theo người hầu tùy thân, nhưng tôi chưa từng thấy hòa thượng hoặc ni cô nào lại dẫn theo cả một đội quân bên mình. Quan sát ngôn hành cử chỉ của họ, hết thảy đều toát ra phong thái cao sang không thể chối cãi, thân phận địa vị của hai người này chắc chắn không tầm thường. Do tiểu hòa thượng là người có trình độ tiếng Hán cao nhất trong cả đoàn người, người mẹ xinh đẹp của cậu ấy hoàn toàn không thể sánh kịp, cho nên tôi thường cưỡi lạc đà sóng đôi với cậu để thăm dò tình hình.

Mặc dù giao tiếp vẫn còn khó khăn, tuy nhiên tôi đã tìm hiểu được không ít tình hình.

Tôi hỏi cậu có biết người Hán ở Trung Nguyên bây giờ do vương triều nào thống trị hay không. Cậu suy nghĩ hồi lâu mới bật ra được một âm nghe từa tựa như TẦN/THANH. Vậy thì có lẽ là Tần rồi, chắc chắn không thể nào là nhà Thanh được. Tổ chuyên gia đã nói lần trở về quá khứ này chỉ có tác dụng cộng hưởng đối với khoảng thời gian trên dưới hai ngàn năm về trước mà thôi.

Tôi lại hỏi cậu ta học tiếng Hán ở đâu, cậu hoa tay múa chân hết nửa ngày tôi mới hiểu được một chút, là do hai vị sư huynh người Hán ở Ku Zi đã dạy cậu. Tiểu hòa thượng ngượng ngùng nói cậu chỉ mới học được có vài tháng, hơn nữa đã năm năm chưa từng mở miệng nói tiếng Hán, cho nên nói rất kém.

Tôi kinh ngạc đến sững cả người. Nhìn cậu ta kiểu gì cũng không có vẻ lớn hơn mười sáu tuổi, điều này chứng tỏ cậu ấy đã học chữ Hán từ hồi mười, mười một tuổi rồi. Với cái tuổi còn nhỏ như vậy, lại còn không mở miệng nói suốt năm năm, vậy mà vẫn có thể nói được đến trình độ như thế, trí nhớ của tiểu hòa thượng này quả thật quá kinh khủng. Hồi đại học tôi từng chọn ngoại ngữ tự chọn là tiếng Đức, chỉ sau hai năm không đụng tới, bây giờ tôi chỉ nhớ có mỗi ICH LIEBE DICH (I love you), bảo tôi nói chuyện với người Đức à, bảo đảm ông nói gà bà nói vịt cho mà xem.

Do rơi xuống vùng hoang mạc, nên những địa phương tôi liên tưởng đến nếu không phải Tây Vực thì cũng là Mông Cổ, bởi vậy tôi lại hỏi tiểu hòa thượng có biết con đường tơ lụa hay không, cậu ta nghe không hiểu gì. Nhưng khi tôi giải thích về tơ lụa và lá trà từ đất Trung Nguyên bán sang cho Taziks (nay là một nước thuộc khu vực Ả Rập), Ba Tư (nay là Iran), Tachin (nay gọi là La Mã), thì cậu ấy bắt đầu vỡ lẽ. Cậu nói Ku Zi cũng nằm trên con đường này. Nghe cậu ấy nói như vậy, tôi như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Sau đó tôi cố hết sức nhớ lại những địa danh liên quan đến con đường tơ lụa, Qarasahr (Yên Kỳ), Kroran (Lâu Lan), Shule (Sơ Lặc) (nay thuộc địa khu Kashgar ở Tân Cương), Lâu Lan, Hòa Điền (nay thuộc huyện Hòa Điền, Tân Cương), Kocho (nay thuộc địa cấp thị Turfan, Tân Cương), Wusun (nay thuộc địa khu Ili, Tân Cương), Đôn Hoàng... Có những cái cậu ta suy nghĩ một chút, sau đó đáp lại tôi bằng một phát âm tương tự, tuy nhiên vẫn rất mơ hồ. Khi tôi nói đến Kucha (Khâu Từ), tôi đột nhiên ngưng bặt. Ku Zi? Kucha (nay thuộc địa khu Kuchar, Tân Cương). Hai cách phát âm này tương đối giống nhau, đó không phải là quốc gia nằm trên con đường tơ lụa, có nền văn hóa phát triển đặc sắc nhất và cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực - đất nước Kucha (Khâu Từ) - đấy chứ?

Tôi nhìn cậu ấy, đọc lại một lần cái tên Kucha, cậu ta lại suy nghĩ, rồi gật gật đầu, đưa tay chỉ chỉ vào mình. Trời ơi, tôi rốt cuộc đã biết mình đang ở đâu rồi. Tôi đã ngược thời gian và không gian đến Tây Vực!!! Tây Vực thời nhà Tần!!!

Như vậy là tôi đã gặp gỡ một đoàn người Kucha, chính là người Tochari. Tôi nhớ đã từng đọc một tài liệu nói rằng tổ tiên của người Tocha là người Nguyệt Chi, hay còn gọi là người Tochari. Đặc trưng chiếc đầu dài, sống mũi cao, đôi mắt sâu, đôi môi mỏng, hơn nữa còn có làn da trắng bóc, đây chính là chủng người Proto-Indo-Europeans (người Ấn-Âu nguyên thủy). Vào khoảng một ngàn năm trước công nguyện, người Tochari chấm dứt cuộc sống du mục, bắt đầu định cư, tạo thành dải Kocho, Qarasahr, Turfan (Thổ Phồn). Hồi đi du lịch Tân Cương tôi từng tham quan rất nhiều viện bảo tàng, thứ tạo cảm hứng nhất chính là những chiếc xác ướp, những chiếc xác ướp có tuổi thọ hơn ba ngàn năm trong tình trạng bảo tồn gần như hoàn hảo, trên khuôn mặt vẫn rất dễ nhận ra những đặc trưng của người châu Âu, nổi tiếng nhất chính là xác ướp có tên 'Người đẹp Lâu Lan'. Có điều là, Kucha tọa lạc tại vị trí xung yếu trên con đường tơ lụa, có rất nhiều chủng người quần cư, người Kucha được hình thành do sự lai tạp giữa các chủng người, cho nên so với người Ấn-Âu hiện tại, khuôn mặt của họ hơi tròn hơn một chút.

Sau cơn phấn khích, tôi liền nhanh chóng ỉu xìu. Ghi chép về Tây Vực thời nhà Tần vô cùng ít hỏi, chỉ có 'Tây Vực truyện' trong 'Hán Thư' là có nhắc đến. Lịch sử Tây Vực trong dòng chảy ký ức của người Hán chỉ bắt đầu từ thời của Hán Vũ Đế: Trương Khiên sang Tây Vực, cầu thân với Wusun, đóng quân đồn trú, khói lửa can qua với Hung Nô suốt mấy trăm năm. Có điều, khi biết được thời đại tôi đáp xuống là thời Tần, tôi vẫn ôm rất nhiều kỳ vọng. Tôi phải nhanh chóng đến Trường An mới được, nói không chừng còn có thể chứng kiến cuộc dân biến vĩ đại cuối thời nhà Tần, tìm hiểu thêm một chút về những nhân vật vang dội lẫy lừng trong lịch sử.

Tôi lại lần nữa bày tỏ nỗi nhớ nhà, ý nguyện muốn nhanh chóng trở về Trường An, tiểu hòa thượng trầm tư một lúc, nói cậu ta có thể sắp xếp. Có điều đường sá rất xa xôi, có khi mất cả năm mới đến được. Hơn nữa khắp nơi binh đao chiến loạn, vô cùng nguy hiểm.

Hả? Đã bắt đầu chiến tranh rồi à? Vậy thì tôi càng không thể trì hoãn nữa. Tôi vui vẻ nói đi nói lại, không sao không sao hết, cậu ta nhìn tôi với vẻ kỳ lạ, trong đôi mắt màu xám nhạt tràn đầy sự kinh ngạc. Tôi không biết phải giải thích như thế nào với cậu ấy việc một cô gái lại cảm thấy hứng thú đối với chiến tranh gươm giáo như vậy, chỉ biết ha ha cười ngu cho qua chuyện.

Cứ nói chuyện như vậy, trời đã gần trưa. Tuy đã vào thu, nhưng mặt trời ban trưa vẫn rất gay gắt, tôi trùm chiếc khăn choàng lên đầu che nắng. Tiểu hòa thượng thì kéo tăng bào xuống, để lộ ra phần vai phải để trần, dưới ánh mặt trời, làn da rám nắng ánh lên vẻ sáng bóng khỏe mạnh của tuổi trẻ. Loại tăng phục để trần bên vai phải này, là tăng phục phổ biến của những tăng nhân Thiên Trúc và Tây Vực. Sau này khi Phật giao lưu truyền đến Trung Nguyên, tăng phục đã có sự cải tiến cho thích hợp. Nguyên nhân là do vấn đề khí hậu mà ra, bởi vì Ấn Độ khí hậu nóng, Tây Vực lại nằm trong sa mạc Gobi, có sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ngày và đêm. Bởi vậy, loại y phục mà buổi sáng và buổi tối có thể choàng thêm, buổi trưa để vai trần là thích hợp nhất với khí hậu nơi này.

Sau đó, tôi thấy gương mặt của cậu ta dần dần đỏ ửng, ánh mắt dời sang chỗ khác không nhìn tôi nữa. Lúc này tôi mới ý thức được mình đã nhìn tăng phục của cậu ấy quá lâu, chẳng trách cậu ấy ngượng ngùng như vậy. Loại tăng phục này tôi chỉ mới được nhìn thấy qua những bức bích họa, bây giờ lại được thực mục sở thị, thế là cứ dán mắt vào đấy soi mói không rời, phép lịch sự gì gì đó đều bị tôi vứt đâu mất sạch. Cũng không thể giải thích với cậu ấy rằng tôi chỉ đang nghiên cứu, thế là tôi đành cười ha ha lấp liếm cho qua.

Đến một cánh rừng dương nhỏ, chúng tôi nghỉ ngơi một chút. những người hầu nhanh chóng bắt tay dựng lều bạt đơn giản, đi gom củi khô về nấu mì. Sau khi món mì cùng với lương khô, còn gọi là 'nang' trôi xuống bụng, cả người tôi cảm thấy thoải mái đến độ chỉ muốn nhắm mắt làm ngay một giấc. Hai mẹ con ni cô sau khi ăn xong thì vào lều tụng kinh, trên đầu gối họ, một quyển kinh được mở ra, tôi rất hiếu kỳ, liền bước đến nhìn thử, kết quả tôi kinh ngạc giật bắn cả mình.

Kinh văn được viết trên một tấm lụa, tự dạng vô cùng kỳ lạ, có lẽ là chữ tượng hình, những ký tự như những ký hiệu vô cực ∞ trình bày theo hàng lối. Tuy tôi không thể hiểu được, nhưng tôi đã được nhìn thấy thứ chữ này trước đây, văn tự này chính là văn tự đã thất truyền từ rất lâu của người Tochari. Là ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy sơ khai nhất mà con người thời nay biết đến, được phát triển trên nền tảng chữ Brahmi của Ấn Độ, đến thời hiện đại vẫn chưa được giải mã hoàn toàn.

Tôi kích động đến nỗi gần như nằm bẹp xuống săm soi bản kinh trên đầu gối của cậu chàng hòa thượng đẹp trai, miệng lẩm bẩm như lên đồng: "Trời ơi, đây chính là ngôn ngữ Tochari, chính là ngôn ngữ Tochari đó trời ơi!" Nếu có thể đưa trọn vẹn quyển kinh này về thời hiện đại, có lẽ nó sẽ có giá trị nghiên cứu vô cùng to lớn.

Ni cô xinh đẹp khẽ nhíu mày. Tiểu hòa thượng ban đầu bị tôi dọa nhạy dựng, nghe thấy mấy lời lẩm bẩm của tôi thì hỏi với vẻ khó hiểu: "Cô biết nó à? Đây là văn tự của Kucha (từ giờ sẽ gọi là Khâu Từ), không gọi là Tochari."

A, đúng rồi nhỉ, 'Tochari' là cách gọi của người Đức, người Khâu Từ lúc này đương nhiên sẽ không gọi ngôn ngữ của mình là 'Tochari'. Chỉ có điều ở thời hiện đại, mọi người đều đã mặc nhiên thừa nhận cách gọi này. Tôi cười ngượng ngập, vẫn cố dán mắt vào những ký tự loằng ngoằng như ký hiệu vô cực ∞, trong lòng tràn ngập niềm hưng phấn vì vừa được tiếp xúc với ngôn ngữ Tochari đang sống sờ sờ trước mắt.

Tôi là một người nghiên cứu lịch sử, có thể được nghe lại một ngôn ngữ đã thất truyền từ rất lâu là một việc có giá trị lịch sử rất lớn, tưởng chừng không thể nào cân đo đong đếm nổi. Để có thể giải mã được những văn tự đã chết, biết bao nhiêu nhà ngôn ngữ học đã dốc tâm huyết cả đời tìm tòi đánh vật với những chồng giấy vụn tàn tích. Vào thế kỷ thứ 18, một nhà khoa học người Pháp là Jean-François Champollion đã giải mã thành công chữ tượng hình Ai Cập, bóc tách những bí ẩn đã chôn vùi suốt hàng ngàn năm, cuối cùng ông đã lưu danh sử sách. Hiện nay, việc đọc hiểu ngôn ngữ Tochari vẫn còn đang dang dở chưa đâu vào đâu, nên nếu như tôi có thể đọc được chữ Tochari...

Tôi níu chặt ống tay áo rộng của tiểu hòa thượng: "Cậu... làm ơn, dạy tôi, chữ Tochari, à, không, chữ Khâu Từ, được không?"

Trước tiên cậu ta sửng sốt, sau đó hỏi lại tôi một câu rất trật đường rầy: "Cô biết chữ Hán đúng không?"

Đến lượt tôi sững người: "Đương nhiên."

Cậu ta quay đầu lại nói chuyện với ni cô xinh đẹp bên cạnh. Ni cô lại nhìn sang tôi, rồi trả lời lại cậu ta mấy câu. Hai người cứ nói chuyện xì xà xì xồ như thế, khiến lòng tôi càng lúc càng hoang mang tợn. Đang khi tôi lo lắng sẽ bị họ từ chối, thì nhìn thấy cậu ấy quay lại đối mặt với tôi, trong đôi mắt màu xám nhạt chợt lóe lên một nét cười tinh quái: "Tôi có thể dạy cô, với điều kiện cô phải day tôi tiếng Hán."

Tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm, thì ra là trao đổi công bằng, như vậy cũng rất tốt.

"Đương nhiên là được." Tôi chần chừ một chút rồi bổ sung thêm, "Có điều tôi không rành về kinh Phật cho lắm, nếu nói về Luận Ngữ, Kinh Thi, Tả Truyện hay Chiến Quốc Sách còn may ra."

Tôi học chuyên ngành lịch sử, không phải chuyên ngành Phật học. Tuy về lịch sử Phật giáo tôi có thể tán đôi chút, nhưng cụ thể Tam Tạng Kinh, Pháp, Luận như thế nào, tôi chỉ có thể ngậm ngùi thừa nhận mình dốt đặc cán mai, một chữ cũng không biết. Bây giờ tôi đã bắt đầu hơi ân hận, nếu biết trước mình sẽ vượt thời gian về làm bạn với giới tăng lữ thế này, thì tôi đã đi trau dồi thêm vài lớp bồi dưỡng về kiến thức Phật giáo rồi.

"Không cần kinh Phật đâu, cô nói về những thứ kia là được rồi." Xem ra cậu ta rất vui vẻ, đầu mày cuối mắt đều tràn ngập nét cười rạng rỡ như ánh mặt trời.

Tôi đột nhiên nghĩ đến một chuyện, kinh Phật ở Trung Nguyên đều được phiên dịch từ tiếng Phạn và các quốc gia vùng Tây Vực, cậu ấy là một tăng nhân người Khâu Từ, sao lại học chữ Hán ở chỗ tôi nhỉ, tăng nhân người Hán phải học hỏi ở cậu ấy mới đúng chứ!

Hôm ấy tôi còn phát hiện một số việc rất thú vị: hai mẹ con người tu hành này sau bữa cơm trưa sẽ không ăn thêm bất cứ thứ gì nữa. Người cổ đại ăn một ngày hai bữa cơm, người tu hành lại càng nghiêm ngặt hơn. Tôi có nhớ mang máng tăng nhân đúng là không ăn gì sau giờ Ngọ. Tôi nêu thắc mắc với cậu ấy, cậu ấy nói với tôi bằng tiếng Hán vẫn chưa được trôi chảy lắm của mình, giới luật quy định, thời gian từ sáng đến trưa là có thể ăn uống, từ sau giờ Ngọ cho đến sáng sớm ngày hôm sau sẽ không được ăn gì cả.

Nguyên nhân có giới luật này là, một vị đệ tử Sa môn đi khất thực vào chạng vạng tối, do trời tối không thấy đường, một người phụ nữ có thai đã nhầm tưởng người ấy là yêu quái, bà quá sợ hãi dẫn đến sinh non, cho nên Phật Thích Ca mới đặt ra giới luật này. Nhưng mà đối với người bệnh hoặc người phải lao động cực nhọc, để duy trì thể lực bắt buộc phải bồi dưỡng bằng thức ăn, họ vẫn có thể ăn cơm tối.

Tôi gật gật đầu, trong lòng nghĩ, vào thời đại của Phật Thích Ca, hơn phân nửa tăng lữ đều tọa thiền, thể lực tiêu hao không nhiều, cho nên sau giờ Ngọ không ăn cơm cũng không có vấn đề gì cả. Nhưng sau khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, tăng lữ đều ăn bữa tối. Đó là vì ở Trung Nguyên, đại đa số tăng lữ đều phải ra đồng làm ruộng, cho nên giới luật phải được sửa lại cho hợp lý. Qua đó có thể thấy rằng, trong những thời điểm khác nhau, tại những địa phương khác nhau, có thể đặt ra hoặc thay đổi giới luật, điều này thể hiện tính linh hoạt của Phật giáo, thảo nào đã trải qua hơn hai ngàn năm mà Phật giáo vẫn phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc như vậy.

Quan sát cách họ ăn cơm, rồi lại nhìn họ uống nước, cũng có những phát hiện rất thú vị. Những thị nữ sẽ dùng một thứ gì đó giống như túi lưới, đầu tiên là lọc sạch, sau đó mới đưa đến cho họ. Tôi vừa bắt đầu cho rằng nước lấy trong sa mạc sẽ có lẫn tạp chất, nồng độ muối kiềm khá cao, cho nên cần phải lọc qua một lượt. Nhưng khi thấy nước mình uống không trải qua thao tác lọc, tôi mới cảm thấy thắc mắc.

Cậu ấy lại ngọng nghịu giải thích cho tôi biết: người tu hành phải uống nước đã được lọc là vì để tranh uống phải những vi sinh vật trong nước vào bụng, gây ra việc vô ý sát sinh, theo quy định trong giới luật, tăng lữ phải luôn mang theo túi lọc bên người, không có túi lọc thì không thể đi xa khỏi nơi ở quá hai mươi dặm.

Sau khi nghe cậu ta giải thích, tôi lập tức nhớ ra ngay, lúc pháp sư Huyền Trang đi vào một vùng sa mạc hoang vu không có người ở, từng phải đổ bỏ toàn bộ nước trong túi da, suýt chút nữa chết khát. Sở dĩ ngài phải đổ bỏ hết những giọt nước quý giá ấy là vì quá mức tuân thủ giới luật, phải lọc nước một cách nghiêm ngặt mới uống.

Buổi tối, tôi ngồi cạnh đống lửa bên ngoài lều ghi ghi chép chép về những điều đã khảo sát được, tôi cẩn thận ghi lại hết thảy những gì mình đã nghe, đã thấy. Trên đỉnh đầu, sao giăng lấp lánh đầy trời, tựa những đốm đèn điện nhấp nháy lập lòe trên bức màn nhung màu xanh sẫm.

Tôi đã từng ngẩng đầu ngắm nhìn bầu trời đêm trong veo quang đãng ở Tân Cương thế kỷ 21, khi đó tôi từng nghĩ, không biết người cổ đại có nhìn thấy cùng một bầu trời đêm giống tôi hay không? Bây giờ khi tôi ngắm nhìn sao đêm, có phải bầu trời bây giờ so với ở thời hiện đại lại càng trong trẻo thuần khiết hơn không nhỉ? Vấn đề này khiến tôi rơi vào trạng thái mơ màng trầm tư, nhưng càng nghĩ lại càng không cách nào trả lời được. Có phải có hai tôi ở hai thế giới song song đang đồng thời ngẩng mặt ngắm trời cao như thế này không? Tôi này và tôi đó, rốt cuộc là đang tồn tại như thế nào?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét